Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam

Võ Thuật Cổ Truyền Việt NamThường gọi là võ kinh, song tỉnh Bình Định là danh tiếng nhất, tiền bối chúng ta đã làm oanh liệt biết bao, bình Nguyên đánh Tống chiến công vùng vẫy giang hồ, khiến cho cái kiếp nam nhi lắm phen thỏa chí.

Danh từ võ Bình Định là nơi sản xuất võ thuật, gốc ở Ngũ trường Sơn, vậy khi xưa vua ta có lập trường để thi võ chọn lựa anh tài để giúp nước phò vua.

Người dự thi phải biết đủ thập bát ban võ nghệ và lực năng cử đảnh. Qua năm 1901, người Pháp cấm không cho dạy võ Việt Nam vì vậy các bậc danh sư đều chán nản bỏ không dạy nữa. Ngày nay dầu còn đi nữa, hạng sau nầy học được là bao. Duyên cớ đó mà Võ Việt Nam bị thất truyền, không còn căn bản, thành thử mất cả bí truyền và tinh vi tuyệt diệu. Võ Việt Nam phải có Ngũ Hành và 8 bộ chân quyền, kêu là Bát quái trận đồ.

Vậy các bài tôi dạy lại đây, đối với kho học quyền thuật cổ truyền của tiền bối tuy rằng ít oi khác nào như cái bọt nước ti ti ngoài biển cả nhưng tập trung cũng đủ hết cái thuật tránh gạt biến hóa tiến lui hư hư thực thực rồi. Dám hỏi quyền gia tự cổ chí kim, tự đông chí tây có lối quyền nào không phải dùng các phép ấy không? Ôi?? Muôn việc đối với kẻ an cư vô chí đều như gió lạnh lửa tàn, như chiếc thuyền bơ vơ không bến, nếu biết đem ra mà lợi dụng và có công chuyện luyện siêng cần biết nhận một mà phát minh ra mười, đem gan não mà đeo đuổi mục đích thiêng liêng. Nếu đã có cái cư tâm của kẻ anh hùng, tất luyện dược cái bản sắc phi thường của người lo chi sầu thành muôn dậm mà chẳng phá tan. Muốn chí mình đạt được mục đích, thì bước đường thứ nhất là bước gian nan quyết phải cẩn thận mà không nên xao lãng, đã gọi công phu thì sự luyện lập không phải nhỏ.

PHÉP ĐÁNH CÔN

Không nói ai cũng hiểu rằng côn là một món binh khí rất lợi hại và tiện dụng hằng ngày, vì côn không có lưỡi sắc mũi nhọn mà có thể chống đỡ với đủ các món binh khí khác.

Vẫn biết đã đùng đến phép đánh côn, cần phải khỏe mạnh lắm mới được, nhưng các đòn đã gọi là hay, là hiểm và thứ nhứt là các đòn bí truyền thì không phải dùng sức lắm, phải cho lanh lẹ tinh tường, lấy mắt mà lượng đòn của địch nhân, lanh quá cũng không được mà chậm thì cũng hỏng. Lấy trí tuệ sai khiến chân tay, đầu và mình. Nói tóm lại phải cần có công phu và từng trải thì mới gọi là thực hành được.

Phép đánh côn điều thứ nhứt trong lúc tiến lui đánh đỡ, cần phải che phủ lấy chân tay.

Điều thứ nhì khiến cây côn tuốt ra thâu vào bất thường tùy theo từng lúc sử dụng, thí dụ thế côn thứ nhứt ta đâm đầu côn tay phải ra cản lấy đầu côn tay phải của địch nhân từ chỗ tay phải cầm ra đến đầu côn là non một phần nửa côn (từ chỗ tay phải cầm trở lại đầu côn tay trái là già nửa phần côn). Từ chỗ tay trái cầm ra đến đầu côn trái độ hai gang tay, lúc thâu đầu côn phải về, và đánh đầu côn tay trái ra, thì tay trái lại thâu vào khiến từ tay trái ra đến đầu côn trái là non một phần nửa côn; tay phải tuốt ra từ tay ra đến đầu côn phải, độ hai gang tay.

Điều thứ ba côn đánh ra mình và đầu phải lựa theo chiều côn của bên định, mà lách đi hay cúi xuống.

Điều thứ tư người khỏe dùng côn thì thật hay, nhưng chớ nên cậy lực, đánh hụt thì mất hết cả, nghĩa là phải đánh có chừng, miếng nào chắc ăn lắm mới đánh tận lực.

Điều thứ năm lối côn phóng thâu tiến lui được nhanh thì tất lợi hại trong lúc phóng thâu, cần phải gạt đỡ tùy cheo chiều côn của địch nhân đánh với ta.

Tôi sẽ nói cách đánh hư hư thực thực để gạt địch, và thắng địch, nếu địch vô ý thì bị ta thắng.

Côn có 3 hạng:

  1. Đản côn (từ đất lên tới nách)
  2. Tề mi côn (từ đất ngang lông mày)
  3. Trường côn (từ đất lên khỏi đầu chừng hai gang tay)

Thường dùng Tề mi côn là đẹp (dễ dùng hơn).

ROI, CÂY DÀI MŨI NHỌN

Roi là một món Binh khí trường là thường (dài) ta thường dùng, cũng giống như của người Tàu, cán dài mũi nhọn, vậy trung bình tiên là tên chữ, mà roi là tên nôm. Khi xưa các cụ luyện tập, nay ta theo cổ nhân cũng dùng ngọn Roi cách đâm gạt tiến lui, có hơi khác khi xưa đôi chút nhưng tựu trung vẫn phải theo khuôn phép của các Bậc tiền bối.

Một ngọn Roi xưa kia, các cụ vùng vẫy giang hồ đánh Đông dẹp Bắc khiến cho cái cái kiếp nam nhi lắm phen thỏa chí biết bao. Ta tập Roi, lại sực nhớ đến mấy câu thơ cụ Trần Quang Khải danh tiếng đời nhà Trần. Thơ rằng:

Đoạt giáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san.

Dịch thơ:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu.

Miệng đọc tai nghe khiến ta phấn khởi tinh thần. Vậy thì các cụ dùng ngọn Roi mà biết bao nhiêu chiến công oanh liệt, còn truyền tụng tới nay, mà nay ta thì dùng ngọn Roi làm một món thể thao cốt để tiêu cơm nới nặng bắp thịt, khoan khoái tinh thần, tuy đôi đường công dụng khác nhau, nhưng tựu trung tinh thần thượng võ.

Roi có hai thứ: Roi đản 1 mét 80, Roi trường 2 mét 40.

Mấy lời thô kịch nầy, có thiếu sót, Tôi kỳ vọng ở sự lưu tâm chỉ giáo, của bậc cao minh sư hữu. Rất đa tạ.

— Sư Trưởng Võ Đường Sa-Long-Cương

(Bài viết của Sư Trưởng TRƯƠNG THANH ĐĂNG – Bình Định Sa Long Cương đăng trên báo VÕ THUẬT thứ nhất 1968-1975.)

Leave a comment